TPHCM triển khai 6 chương trình đột phá - Kiểm soát nguồn chất thải gây ô nhiễm

Nguồn thải ô nhiễm đã và đang là nguyên nhân khiến chất lượng môi trường sống trên địa bàn TPHCM ngày càng xấu đi. Kiểm soát được nguồn thải là kiểm soát thực trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống. Thế nhưng để kiểm soát nguồn thải một cách hiệu quả lại không phải chuyện dễ dàng.
Xác định nguồn gây ô nhiễm
lap bao cao giam sat moi truong dinh ky, lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
TPHCM đạt tỷ lệ cao nhất cả nước về số lượng nhà máy có khu xử lý nước thải (Ảnh: Một góc khu xử lý nước thải ở một nhà máy tại huyện Hóc Môn TPHCM). Ảnh: KIM NGÂN

Theo thống kê mới nhất, tháng 5-2011, của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, dọc hệ thống kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn có đến 269/450 doanh nghiệp (DN) không có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, tỷ lệ DN không đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên tổng số DN được kiểm tra (tính theo từng quận), cao nhất là quận Phú Nhuận chiếm 96%, kế đến huyện Bình Chánh (78%), quận 2 (76%), Bình Thạnh (73%), quận 7 (71), Thủ Đức (66%)…
Riêng tải lượng ô nhiễm ở địa bàn quận Gò Vấp cao nhất, phát sinh từ các DN lắp ráp, sản xuất xe ô tô. Ngoài ra, nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung cũng như các hộ gia đình, trại chăn nuôi và hoạt động du lịch (phần lớn đều không có hệ thống xử lý nước thải) đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai, nhất là ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh.
Đối với chất thải nguy hại, Sở TN-MT cho biết, trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 600 tấn chất thải nguy hại. Trong khi công suất xử lý loại chất thải này của 4 đơn vị tư nhân hiện nay chỉ khoảng 30 tấn/ngày. Số lượng chất thải còn lại đành phó mặc cho môi trường. Điển hình khu vực phường Long Bình quận 9 đã và đang chứa hàng ngàn tấn chất thải nguy hại. Đây là bãi chứa chất thải nguy hại tự phát, do các đơn vị đổ lén, không có bất kỳ biện pháp kỹ thuật an toàn nào đối với môi trường. Nhiều chuyên gia môi trường đã cảnh báo bãi chất thải trên đang trực tiếp gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm của TPHCM.
Xử lý triệt để chất thải
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT khẳng định, để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nay đến 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đã đề ra, sở đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tăng cường công tác thanh kiểm tra DN, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TPHCM. Trong năm 2011 phải xác định ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng; các nguồn thải nằm trong lưu vực sông Sài Gòn, các nhánh sông, kênh rạch chính trên địa bàn thành phố; các nguồn thải có lưu lượng lớn, tải lượng gây ô nhiễm cao. Với những trường hợp cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng sẽ xử lý nặng bằng cách đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, tổ chức di dời, hoặc rút giấy phép hoạt động của DN.
Song song với các biện pháp cấp thiết trên thì việc cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính chủ động thực hiện bảo vệ môi trường cho DN cũng được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở TN-MT cho biết, trong năm 2011 để tránh chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra (cùng một DN có đến khoảng 20 đoàn kiểm tra môi trường/năm), các đoàn thanh tra môi trường của các ngành đã xây dựng kế hoạch thanh tra ngay từ đầu năm. Theo đó, mỗi đoàn thanh tra sẽ kết hợp nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra sở, Thanh tra Tổng cục bảo vệ môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các phòng chuyên môn và phòng TN-MT quận huyện cùng thực hiện kiểm tra; ngoại trừ những trường hợp kiểm tra đột xuất do DN có dấu hiệu lén lút xả thải gây ô nhiễm môi trường… Để tăng cường ý thức tự giác chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường tại DN, các cơ quan chức năng đã thực hiện thay đổi biểu mẫu báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo hướng đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện.
Xác định được nguồn thải ô nhiễm là đã xác định được “khối u ác tính” đang hủy hoại môi trường. Vấn đề còn lại là sử dụng biện pháp để "điều trị". Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt như trên, hy vọng việc giảm thiểu ô nhiễm trên địa bàn TPHCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Từ năm 2010 đến nay, Sở TN-MT đã và đang xúc tiến thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, hiện đang có nhiều đơn vị xúc tiến việc đầu tư như: Công ty Quốc Việt, Công ty Mộc An Châu, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà các nhà đầu tư đang vấp phải là thiếu đất đầu tư. Vì vậy, TPHCM đang tập trung cao độ nguồn lực để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng 200 ha thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi nhằm phục vụ kịp thời cho các dự án xử lý rác, bùn thải, chất thải nguy hại và các khu tái chế chất thải.
(SGGP Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét