Chương trình Quản lý và Giám sát môi trường định kỳ

Xem hình
Giám sát môi trường không khí tại làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa, Huyện Mỏ Cày Nam
Để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, thì công tác lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ là rất quan trọng, góp phần cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.





Ngày 08 tháng 12 năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trườngcam kết bảo vệ môi trường thay thế cho Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006.
Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT hướng dẫn cụ thể hơn về công tác thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ. Tại Phụ lục 4 Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT hướng dẫn nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có chương trình quản lý và giám sát môi trường, nhằm quản lý, giám sát các vấn đề bảo vệ môi trường và các chất thải phát sinh trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng các công trình của dự án và trong quá trình dự án đi vào vận hành.
Theo hướng dẫn này thì các dự án của doanh nghiệp đầu tư không chỉ thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình hoạt động (vận hành), mà còn thực hiện chương trình này cả trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng cơ sở hạ tầng dự án của doanh nghiệp.
Từ khi Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác lập báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ nói riêng của các doanh nghiệp luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm.
Định kỳ 01 năm 02 lần, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp, bệnh viện, hộ nuôi trồng thủy sản,…trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải báo cáo định kỳ (03 tháng/01 lần) về Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường.
Tuy nhiên, chỉ có 07 doanh nghiệp thực hiện báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ theo mẫu mà Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã hướng dẫn. Nhận thấy các doanh nghiệp chỉ thực hiện tốt việc cung cấp các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung quan trọng nhất là kết quả thực hiện việc giám sát các môi trường thành phần như: chất thải rắn, khí thải, nước thải và chất thải nguy hại trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành của doanh nghiệp thì chưa được quan tâm đúng mức. Hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện việc lấy mẫu phân tích các thông số môi trường của nước thải và khí thải để đánh giá các tác động đến môi trường xung quanh trong quá trình hoạt động. Việc kê khai chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng không có trong nội dung báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường.
Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp có sự nhầm lẫn khi gửi các thông số về kết quả đo kiểm tra môi trường lao động thay thế cho các thông số phân tích của môi trường thành phần, như: môi trường nước, không khí,…; không thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình doanh nghiệp đang xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng. Chính vì thế, báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ của các doanh nghiệp chưa thể khái quát được quá trình hoạt động của doanh nghiệp, cũng như sự ảnh hưởng của doanh nghiệp đến môi trường xung quanh.
Việc báo cáo định kỳ về chương trình quản lý và giám sát môi trường của doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu bởi một số lý do sau đây:
- Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, công tác lập báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ chưa được doanh nghiệp chú trọng thực hiện;
- Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp;
- Kiến thức chuyên môn về môi trường của một số nhân viên thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp còn hạn chế, nên công tác tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa kịp thời và phù hợp;
- Áp lực về phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, kinh doanh đã phần nào ảnh hưởng tới sự quan tâm của doanh nghiệp đối với công tác thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường;
- Vẫn tồn tại tư tưởng đối phó với Luật bảo vệ môi trường và cam kết của doanh nghiệp trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt.
Thời gian tới, để việc lập báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường của các doanh nghiệp đúng theo quy định của pháp luật, cần phải thực hiện một số công việc sau:
- Tuyên truyền, tập huấn để tiếp tục nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc lập báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cảnh sát môi trường thường xuyên thanh kiểm tra và xử phạt theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp không thực hiện việc báo cáo chương trình quản lý và giám sát môi trường định kỳ.


(Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét