Trại nuôi heo đe dọa nguồn nước hồ Đá Đen

Mương nước thải và bờ bao trong trang trại nuôi heo của ông Phạm Văn Căn, xã Xà Bang, huyện châu Đức.
Một trang trại nuôi heo quy mô lớn nằm cách hồ Đá Đen – nguồn cấp nước sinh hoạt của tỉnh – chỉ 5km, nhưng trang trại hầu như không thực hiện các giải pháp an toàn để bảo vệ môi trường.
Ngày 5-5, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh BR-VT chủ trì kiểm tra trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Văn Căn tại ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Đây là một trong những trang trại có quy mô khá lớn tại huyện Châu Đức với số lượng 500 con heo nái và 2000 con heo thịt/năm. Trang trại này có 5, 6 dãy chuồng nuôi, tất cả nước rửa chuồng heo, được chủ trang trại cho dẫn, đổ ra một hố bê tông, rồi chảy ra một hố đất. Từ đây nước thải được dẫn vào mương mà chủ trang trại đào vây quanh khuôn viên đất của mình, bên ngoài là một bờ bao được đắp cao hơn để không cho nước thải chảy tràn qua đất của hàng xóm. Như vậy, tất cả nước thải nuôi heo của trang trại này đều không có hệ thống xử lý an toàn và tự thẩm thấu vào lòng đất. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn còn phát hiện xác heo chết bị vứt bỏ trong hố đất tiếp nhận nước thải. Điều đáng nói, mặc dù cơ sở chăn nuôi này hoạt động từ năm 1994 nhưng đến nay chưa có một giấy tờ gì về thủ tục môi trường.
Trang trại nuôi heo của cơ sở Phạm Văn Căn, nằm gần một con suối dẫn về hồ Đá Đen (là nguồn cấp nước sinh hoạt của toàn tỉnh), vì vậy, Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh rất lo ngại sẽ gây ô nhiễm nguồn nước hồ Đá Đen bởi trang trại heo này chỉ cách hồ Đá Đen chừng 5 km đường chim bay. Ngoài cơ sở chăn nuôi này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức còn phát hiện nhiều trang trại nuôi gà tại xã Nghĩa Thành xả chất thải phát sinh từ quá trình vệ sinh chuồng trại ra thẳng môi trường. Một cán bộ của Chi cục bảo vệ môi trường cho biết, nếu tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nước thải tự thoát và ngấm vào lòng đất, về lâu dài thì sẽ gây nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm ở độ nông.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành kiểm tra tất cả những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn để có đánh giá và đề ra các biện pháp ngăn chặn. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chăn nuôi, phát triển kinh tế, nhất là những hộ nông dân làm quy mô nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân trong kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Và quan trọng nhất, người chăn nuôi cũng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Đình Thìn Cuối năm 2009, Phòng Cảnh sát môi trường (PC36), Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Tân Thành. Qua kiểm tra 37 cơ sở thì chỉ có 7 cơ sở lập đề án bảo vệ môi trường. Chưa có cơ sở nào thực hiện giám sát môi trường theo định kỳ. Điều đáng nói hơn nữa, có đến 32 cơ sở không có hệ thống xử lý, thu gom nước thải phát sinh trong quá trình vệ sinh chuồng trại mà chủ yếu cho tự thấm vào đất. Theo PC36, nhiều trang trại mới được xây dựng năm 2009 nhưng chưa lập cam kết bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở chưa nghiêm túc.

(nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét