Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) và các Chính sách Bảo vệ Môi trường

Việc xem xét vấn đề môi trường trong các dự án và các chương trình phát triển nhằm làm cho hoạt động đầu tư bền vững hơn và tạo ra lợi ích lớn hơn cho đất nước nói chung. Làm tốt công tác môi trường ngay từ đầu thường đem lại hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí từ kinh phí cho việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động đối với môi trường.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ chương trình này bằng hai cách quan trọng như sau:
  • Một là, lồng ghép và củng cố Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) trong hệ thống quốc gia của Việt Nam.
  • Hai là, đảm bảo việc tuân thủ các chính sách bảo vệ môi trường của Ngân hàng Thế giới để giảm thiểu tác động môi trường của các dự án của Ngân hàng Thế giới và tối đa hóa các lợi ích môi trường.
Các Chính sách Quốc gia về Đánh giá Tác động Môi trường 
Chính phủ Việt Nam có một bộ luật và chính sách đầy đủ về đánh giá tác động môi trường. 
Ngân hàng Thế giới cung cấp sự hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực chuyên về chính sách và xây dựng luật liên quan đến đánh giá tác động môi trường. Nhưng việc triển khai các chính sách đánh giá tác động môi trường thường gặp trở ngại bởi sự thiếu năng lực ở các tỉnh và bộ ngành và sự yếu kém đáng kể trong việc áp dụng các điều khoản môi trường sau khi các báo cáo đánh giá tác động môi trường được thông qua. Ngân hàng Thế giới cung cấp một số hỗ trợ cho việc tăng cường năng lực.
Dưới đây là những ví dụ về sự tham gia của Ngân hàng Thế giới đối với chính sách đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: 
Hài hòa hóa: Ngân hàng Thế giới tham gia vào một sáng kiến tập trung vào việc làm hài hòa các chính sách đánh giá tác động môi trường giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Đối tác về Hiệu quả của Viện trợ (PGAE). Nhóm công tác kỹ thuật về Hài hòa hóa Đánh giá Tác động Môi trường do Bộ Tài nguyên Môi trường và Ngân hàng Phát triển Châu Á chủ trì. Ngân hàng Thế giới cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn, đồng thời tài trợ một số nghiên cứu then chốt do Nhóm công tác kỹ thuật tiến hành thông qua Quỹ ủy thác do Ngân hàng Thế giới quản lý với Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Đánh giá môi trường chiến lược phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, tất cả các quy hoạch phát triển và quy hoạch tổng thể ở Việt Nam đều phải có đánh giá môi trường chiến lược. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm cả Viện Chiến lược Phát triển (cơ quan chủ trì việc soạn thảo các kế hoạch tổng thể ở Bộ Kế hoạch Đầu tư), đã được Ngân hàng Thế giới giúp đỡ soạn thảo kế hoach tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cho Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011-2020. Một nhóm đánh giá môi trường chiến lược được thiết lập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng năng lực. Việc đánh giá nhanh môi trường chiến lược được một nhóm các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của một cố vấn quốc tế dày dạn kinh nghiệm. Các hoạt động cụ thể bao gồm: đào tạo cán bộ ở cấp trung ương và địa phương, tham vấn với các chuyên gia và thu thập dữ liệu để xác định các vấn đề và xu hướng môi trường ở Đồng bằng Sông Hồng, xem xét các tác động môi trường trong 20 tài liệu cơ sở đã được chuẩn bị cho quy hoạch tổng thể, tổ chức hội thảo cuối cùng để chia sẻ kết quả với nhóm hoạch định và các bên liên quan khác. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đang được chuẩn bị bởi nhóm đánh giá tác động môi trường chiến lược và các chuyên gia tư vấn.
Tài trợ từ Quỹ Xây dựng Thể chế: Đây là khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Xây dựng Thể chế nhằm giúp Việt Nam tăng cường bảo vệ môi trường và xã hội thông qua việc xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho lĩnh vực giao thông và phát triển nông thôn. Khoản viện trợ này kết thúc năm 2004. Là kết quả của quá trình tham vấn toàn diện, bộ tài liệu hướng dẫn được soạn thảo trong khuôn khổ khoản tài trợ này nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ, kể cả các cơ quan quản lý dự án ở trung ương, các ban quản lý dự án, cũng như các chuyên gia tư vấn, các tổ chức phi chính phủ và các nhà thầu nâng cao năng lực thể chế trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và xã hội và lồng ghép các hoạt động này tốt hơn với các yêu cầu của Ngân hàng thế giới về vấn đề này.
Các Chính sách Bảo vệ của Ngân hàng Thế giới: Ngân hàng Thế giới nhận định đánh giá tác động môi trường là một công cụ để xác định và đánh giá các tác động môi trường tiềm ẩn của dự án được đề xuất, đánh giá các phương án thay thế và thiết kế các biện pháp giảm nhẹ tác động cũng như các biện pháp quản lý và giám sát phù hợp. Về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ của Ngân hàng Thế giới ở khu vực và trên toàn cầu, xin vui lòng đọc thêm ở trang các chính sách bảo vệ của Ngân hàng Thế giới. Ở Việt Nam, 75% tổng số thời gian của các cán bộ môi trường của chúng tôi được dành cho các vấn đề bảo vệ môi trường – trong quá trình chuẩn bị và giám sát các dự án của chúng tôi. Hiện tại công việc bảo vệ môi trường tập trung vào:
  1. Đưa các vấn đề môi trường vào thiết kết dự án;
  2. Giám sát các điều khoản về môi trường trong quá trình thực hiện dự án.
    (The World Bank)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét