Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn

Nước sạch, vệ sinh môi trường đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta. Nước sạch, vệ sinh môi trường liên quan đến tất cả mọi người, mọi vùng, nhất là các vùng dân nghèo ở nông thôn. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Những thành tựu trong phong trào xã hội hóa nước sạch, vệ sinh môi trườn.
Từ nhiều năm nay, phong trào xã hội hóa nước sạch, vệ sinh môi trường đang được triển khai sâu rộng trong cả nước. Các mô hình cộng đồng cam kết, ký hương ước bảo vệ môi trường (BVMT) ra đời và phát triển mạnh. Trên cơ sở các quy định của hương ước, nhiều thôn xóm đã tổ chức vận động thành lập các tổ vệ sinh hoạt động dựa trên sự đóng góp kinh phí của các hộ dân để làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải, khơi thông cống rãnh tới nơi quy định. Các hành vi xâm hại môi trường đều bị nghiêm cấm và được người dân tự giác thực hiện. Các đội trật tự quản lý môi trường đã được thành lập nhằm kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Mô hình tự quản về BVMT đã được thu gọn trong thôn xóm và phát huy hiệu quả vai trò của người dân đối với công tác BVMT. Những mô hình lồng ghép xóa đói giảm nghèo với cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường đã và đang được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các cộng đồng dân cư ở các vùng nông thôn.

Nhiều mô hình về tổ chức quản lý, xây dựng triển khai các giải pháp khoa học công nghệ, vận hành các công trình cấp nước, BVMT nông thôn như: các tổ dịch vụ nước sạch, tổ dịch vụ vệ sinh của các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ tư nhân thành lập trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn ở các tỉnh đã được hình thành. Vai trò của người sử dụng và người quản lý đã được nâng cao, phạm vi thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng sâu rộng.

Các phong trào quần chúng BVMT, các hợp tác xã, các tổ vệ sinh môi trường xuất hiện ở nhiều địa phương. Đây chính là các mô hình dưới dạng cam kết môi trường ở các vùng nông thôn đồng bằng. Ở miền núi, vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học được quy ước chặt chẽ trong các hương ước, quy ước của làng, xã, cộng đồng.

 Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đáng chú ý là mô hình xã hội hóa nước sạch, vệ sinh môi trường đang được triển khai có kết quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Đó là mô hình cổ phần hóa thu gom, xử lý rác đô thị của Công ty TNHH Huy Hoàng (Lạng Sơn), Hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường ở Tây Tựu (Hà Nội), Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng, Hợp tác xã Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang).


Mô hình hộ nông dân thực hiện vệ sinh môi trường bằng hầm bi-ô-ga và tự sản xuất phân hữu cơ sinh học trên nền than bùn, đã được thí điểm ở nhiều nơi như các huyện Ứng Hòa (Hà Nội), Bình Lục và Kim Bảng (Hà Nam), Vân Hà (Bắc Giang), Nam Đàn (Nghệ An), Tiền Giang, Bến Tre.

Chúng ta cũng đã xây dựng được nhiều mô hình công nghệ cấp nước cho miền núi, có thể tận dụng nguồn nước mưa dồi dào, sẵn có tại các vùng khan hiếm nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng. Mô hình này đang được áp dụng ở các tỉnh miền núi như: Lào Cai; Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên (Yên Bái); Định Giao, Tân Lạc, Mai Châu, Kim Bôi (Hòa Bình). Mô hình gắn cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường với quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông. Đây là mô hình hiện đại và có hiệu quả nhất, để khai thác nguồn lợi của khu vực, đi đôi với bảo vệ dòng sông, đang được thực hiện ở sông Nhuệ, sông Hàn, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Mô hình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở xã Quảng Đông, Quảng Xương (Thanh Hóa), xã Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên), xã Tân Yên (Lục Ngạn, Bắc Giang)... đã giúp các hộ gia đình có nước sạch.

Mô hình cam kết BVMT ở các tỉnh Điện Biên, Bắc Giang, Lào Cai mang lại hiệu quả cao trong việc BVMT miền núi, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc trong công tác BVMT, xóa bỏ những tập quán lạc hậu làm suy thoái, ô nhiễm môi trường. Các mô hình này cũng mang lại cho đồng bào dân tộc nhiều việc làm và thu nhập qua việc phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp với bảo vệ rừng và môi trường.

Những mô hình, điển hình tiên tiến từ phong trào xã hội hóa về nước sạch, vệ sinh môi trường góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch ở nông thôn, cải thiện một bước đáng kể về tình trạng nước sạch, vệ sinh môi trường. Những mô hình, điển hình do chính người dân đứng ra góp vốn và làm chủ đã có tác động tích cực nhanh chóng mở rộng phạm vi cung ứng nước sạch, vệ sinh môi trường một cách bền vững. Qua điều tra thực tế cho thấy, có 58% dân số ở nông thôn đã được giải quyết nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Số hộ có hố xí hợp vệ sinh trong cả nước đạt 45% (khoảng 5,5 triệu hộ). Nhiều vấn đề bức xúc về nước sạch ở các vùng nông thôn đồng bằng, miền núi đang từng bước được cải thiện.

Vẫn còn không ít những trăn trở, bức xúc

Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhưng tình hình nước sạch, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Mặt bằng nhận thức về BVMT trong xã hội vẫn còn thấp, chưa biến thành ý thức, nếp sống của mỗi người dân. Ý thức BVMT vẫn chưa thành thói quen, nếp sống trong cộng đồng; nhiều thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Nhiều bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị còn “nặng” về các mục tiêu kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu BVMT. Nhiều vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung, làng nghề, lưu vực sông vẫn chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Bộ máy quản lý nhà nước về BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã. Đầu tư cho hoạt động BVMT còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu BVMT; kết cấu hạ tầng BVMT còn thiếu và yếu kém. Hệ thống pháp luật và chính sách về môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các quy định liên quan đến kinh tế môi trường, thúc đẩy xã hội hóa và phát triển dịch vụ môi trường. Một số doanh nghiệp chưa chủ động, tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm, thậm chí còn vi phạm pháp luật BVMT.

Những giải pháp cấp thiết

Để vượt qua những khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường cho nông thôn, nhất là các vùng dân nghèo, chúng ta cần phải tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể và cấp bách sau:

Một là, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác BVMT, phát huy quyền làm chủ của người dân, nhất là tham gia các ý kiến vào các chủ trương, chính sách có liên quan đến môi trường. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về BVMT, phát triển các loại hình dịch vụ về môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của họ về môi trường.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân các mô hình mới, kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến về nước sạch, vệ sinh môi trường. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm làm cho không chỉ các cơ quan, đoàn thể mà mọi người dân thấu hiểu, học tập, làm theo mô hình tốt, điển hình tiên tiến. Hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống không văn minh, không hợp vệ sinh. Tích cực xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh môi trường, ban hành tiêu chí làng, bản 3 sạch (ăn, uống, ở sạch).

Ba là, thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn ra sông, rạch, ao hồ; xử lý ô nhiễm và BVMT các lưu vực sông.

Bốn là, giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho nhân dân ở các vùng nông thôn; khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm các nguồn nước. Xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái đang bị suy thoái nặng.

Năm là, xây dựng các phong trào quần chúng tham gia BVMT. Sự nghiệp quan trọng này không thể thiếu được sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự tham gia và tham gia đắc lực của các đoàn thể quần chúng như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh..., họ có vai trò rất quan trọng, vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển phong trào cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường.

(VEA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét