Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)


 Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội cho rằng, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) phải bám sát các nguyên tắc cơ bản đảm bảo sự phát triền bền vững kết hợp hài hòa giữa việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với BVMT; người gây ô nhiễm phải trả tiền; xử lý ô nhiễm tại nguồn; khuyến khích việc xã hội hoá công tác BVMT; đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ kinh tế trong BVMT, trong đó có việc sử dụng các công cụ phí, lệ phí, thuế môi trường, quyền phát thải…

 Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo




Tham dự Hội thảo có ông RyutaroYatsu, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và các vị khách quốc tế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, sau gần 7 năm đưa vào triển khai áp dụng, Luật BVMT 2005 đã góp phần quan trọng cho bảo vệ, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước; ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; tạo ra những định hướng ban đầu cho việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của thời kỳ mới, với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ những điểm còn bất cậpmột số điểm chưa đồng bộ, thống nhất với một số đạo luật khác trong hệ thống pháp luật; phân công phân cấp đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải;  xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự… chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thi hành chưa cao.
Một số ý kiến của các chuyên gia đã đề xuất khung logic Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (sửa đổi) với các nội dung: Những quy định chung; nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường; gìn giữ và bảo vệ môi trường thiên nhiên; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; bảo vệ môi trường trong đời sống và sản xuất, kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại về môi trường; điều khoản thi hành.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 17 chương và 167 điều.  Dự thảo thừa kế các nội dung cơ bản của Luật BVMT 2005; trong đó mở rộng và cụ thể hoá tới mức có thể các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; gắn kết bảo vệ môi trường với ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Quý 2 năm 2013.
Toàn cảnh hội thảo
Xuân Hợp


3 nhận xét: