Động Phong Nha đang bị bồi lấp

Động Phong Nha (Quảng Bình) là một phần của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (PN – KB) đang đối mặt với tình trạng bị bồi lấp. Dòng chảy thượng nguồn bị thay đổi, gây lo ngại biến dạng về giá trị 400 triệu năm của hang động này.

Nhiều cây cổ thụ bị quật ngã do suối đổi dòng.
Bồi lấp chưa từng có
Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới PN - KB xác nhận: luồng lạch trong động Phong Nha đang bị bồi lấp. Trận lũ đầu tháng 10.2010 làm cho đáy dòng chảy của động Phong Nha bị bồi thêm bởi sa bồi, củi rác... Trung tâm du lịch sinh thái khai thác hang động nổi tiếng thế giới này đã phải chi hàng trăm triệu đồng để nạo vét, khơi thông luồng lạch, ngoài ra, cũng huy động hàng vạn ngày công của nhân viên vào việc này.
Nhưng hiện trạng đang rất căng thẳng cho hàng trăm chuyến đò chở du khách vào tham quan động Phong Nha, bởi tình trạng bồi đắp không thể khắc phục kịp thời. Ngày 24.2, chúng tôi có mặt tại đoạn sông dẫn vào động Phong Nha, ở ngã ba sông Son, hiện tượng chưa từng có đã diễn ra: hàng chục thuyền phải cập bờ để khách lên đi bộ vào động. Hàng chục khách buộc phải đi bộ, có người chấp nhận, có người phàn nàn vì đã mua vé tàu thuyền đúng giá và cam kết chở vào đến địa điểm tham quan.
Chủ thuyền Hoàng Văn Ninh nói: “Chưa bao giờ như năm ni, động Phong Nha bị bồi lấp; từ sau tết đến nay, ngày càng nặng nề. Trong động bị bồi đã đành, đoạn sông ngoài cửa động đến ngã ba sông gần một cây số cũng bị cát vùi mạnh lắm, thuyền không thể đi qua được”. Hang động nổi tiếng toàn cầu đang bị bồi lấp và ảnh hưởng nặng nề đến mỹ quan, bãi cát đẹp nhất của các hang động trong lòng hang gần như biến dạng, không còn sự tinh khiết như trước đây, mà ngả màu úa do phù sa trộn lẫn. Nhiều nghi ngại đáng tiếc đang nổi lên trong đầu các nhà khoa học về hang động trứ danh này, vốn là một phần rất quan trọng trong hồ sơ di sản thế giới về địa mạo địa chất mà UNESCO công nhận.

Đi tìm nguyên nhân

Thuyền phải cập bờ gần ngã ba sông để du khách lên bờ đi bộ gần 1km tránh mắc cạn do bồi lấp
Theo các chuyên gia, động Phong Nha thông với suối Trà Ang dọc đường 20. Từ khi đầu nguồn con suối có thi công công trình bảo tàng ngoài trời do Binh đoàn 12 làm chủ đầu tư, nước trong xanh của dòng suối bị ngả màu bạc thếch, dòng chảy bị biến dạng, đưa theo bao sa bồi, mùn đất vấy đục động Phong Nha. Các nhân viên hướng dẫn du lịch cho biết, nhiều khi không biết từ đâu, củi vụn tự nhiên xuất hiện trong dòng chảy của động, làm du khách khó chịu. Ông Nguyễn Văn Huyên, phó giám đốc di sản PN – KB nói: “Dòng chảy của suối (Trà Ang) thay đổi, kéo theo hệ luỵ cho 400 triệu năm hình thành các rục nước, các hốc đá, cũng như kéo theo bao vấn đề liên quan”.
Công trình do Binh đoàn 12 làm chủ đầu tư, thi công công trình thuộc về xí nghiệp 185. Nhưng ngày 24.2 có mặt tại công trình, chúng tôi được biết đơn vị thi công không thuộc về xí nghiệp 185, mà đảm trách thi công lại là công ty TNHH Tuấn Cường (Đồng Hới, Quảng Bình). Ông Trương Tuấn Dũng, giám đốc công ty Tuấn Cường cho biết, đơn vị của ông nhận thầu lại từ xí nghiệp 185. Theo quy định, các đơn vị vào làm việc trong khu vực di sản thiên nhiên thế giới phải ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng đơn vị này đã không thực hiện điều đó, mà vin vào xí nghiệp 185 ký, nên không cần phải ký thêm.
Thực tế, tại hiện trường khu vực thi công nham nhở những dấu ngoạm đất của máy xúc hai bên con suối Trà Ang để nắn dòng chảy. Chính vì không tôn trọng dòng chảy tự nhiên, mà con đập do đơn vị này thi công bị nước cuốn phăng. Hiện tại, đơn vị vẫn tiếp tục cho máy xúc ngoạm đất ở các khu vực rừng xung quanh con đập để lấp đoạn sông hẹp này, nhằm thực hiện cho bằng được ý đồ nắn dòng. Bãi thi công công trình ngổn ngang những bùn đất đào bới, không đảm bảo môi trường như cam kết. Môi trường ở đây đang bị bẩn đi. Theo các cư dân Sơn Trạch, trước đây, mỗi khi chiều về là khỉ, voọc, gà lôi, gà rừng tụ tập, nhưng từ khi đơn vị thi công với máy móc hạng nặng, mọi thứ gần như biến mất.
Suối Trà Ang là nơi đa dạng hệ sinh thái thuỷ sinh. Nhiều loài cá mới và quý hiếm đã được tìm thấy ở đây. Tuy nhiên, ở đây, các loài bò sát lưỡng cư đang gặp khó khăn về đời sống. Các loài chim cực kỳ quý hiếm ở vùng núi đất trong khu vực như gà lôi lam cũng đang dần vắng bóng do tiếng ồn xe máy thi công. Ông Hoàng Văn Đại, giám đốc trung tâm Du lịch văn hoá và sinh thái PN - KB khẳng định: “Đơn vị thi công trong đó làm, thì ở ngoài này, bùn đục chảy về”.
Theo ông Đại, ông đã có tờ trình lên UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị cho nạo vét hàng trăm khối bùn cát các loại nhằm khơi thông lòng động, trả lại vẻ đẹp trong xanh vốn có của dòng nước trong động. Trong khi đó, ông Lưu Minh Thành, giám đốc di sản thiên nhiên thế giới PN – KB tỏ vẻ ngạc nhiên khi được biết công ty thi công là đơn vị tư nhân không cam kết bảo vệ môi trường. Ông Thành nói: “Sẽ cử ngay hạt Kiểm lâm kiểm tra sự việc và có kiến nghị với Binh đoàn 12 chỉ đạo công ty Tuấn Cường chấn chỉnh lại việc thi công”.

(Theo SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét